Kính gửi: CÔNG TY TNHH SR SUNTOUR (VIỆT NAM)
Địa chỉ: Lô 17-8 đường số 3B, KCN Quốc tế Protrade, phường An Tây, thành phố Bến Cát, Bình Dương.
MST: 3702401047
Cục Thuế nhận được văn bản số SR-AC202409001 ngày 12/9/2024 của CÔNG TY TNHH SR SUNTOUR (VIỆT NAM) (gọi tắt là “Công ty”) vướng mắc về việc tỷ giá xuất hóa đơn khi đã nhận trước tiền hàng. Qua nội dung văn bản nói trên, Cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội:
+ Tại khoản 1 khoản 2 Điều 7 quy định về đồng tiền khai thuế, nộp thuế:
“1. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
2. Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán, phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch...”
+ Tại khoản 2 Điều 42 quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế như sau:
“2. Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Việt Nam quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
+ Tại Điều 9 quy định về thời điểm lập hóa đơn:
“Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn
1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
+ Tại điểm c Khoản 13 Điều 10 quy định về nội dung của hóa đơn:
“Điều 10. Nội dung của hóa đơn
...
13. Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn
...
c) Đồng tiền ghi trên hóa đơn là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”.
- Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
...”
- Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính Việt Nam hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế:
“Điều 4. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế
...
2. Tỷ giá giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán.
...”
- Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định thời điểm xác định thuế GTGT:
“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...”
- Căn cứ Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp:
+ Tại Điều 69. Tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái:
“1. Quy định chung về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái:
...
1.5. Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
a) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:
- Các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác. Riêng trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập).
...”
+ Tại Điều 79. Tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ:
“...
3.2. Trường hợp, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh bằng ngoại tệ:
- Ngoài việc ghi sổ kế toán chi tiết số nguyên tệ đã thu hoặc phải thu, kế toán phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế để quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán để hạch toán vào tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Trường hợp có nhận tiền ứng trước của khách hàng bằng ngoại tệ thì doanh thu tương ứng với số tiền ứng trước được quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận ứng trước.
...”
- Căn cứ Thông tư số 53/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 2/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:
+ Tại khoản 3 Điều 1:
“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái:
a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:....
- Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán:
+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế: Khi ghi nhận khoản góp vốn hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời Điểm giao dịch; Khi ghi nhận nợ phải trả là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời Điểm giao dịch; Khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả) là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.
...”
+ Tại điểm g khoản 5 Điều 1:
“g) Khi nhận trước tiền của người mua bằng ngoại tệ để cung cấp vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:
- Kế toán phản ánh số tiền nhận trước của người mua theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm nhận trước, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Khi chuyển giao vật tư; hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ cho người mua, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:
+ Đối với phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận trước của người mua, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm nhận trước, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tỷ giá giao dịch thực tế thời Điểm nhận trước tiền của người mua)
Có các TK 511, 711.
+ Đối với phần doanh thu, thu nhập chưa thu được tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm phát sinh, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có các TK 511,711
...”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp nếu Công ty có phát sinh giao dịch bán hàng hóa bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 9 và điểm c Khoản 13 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Công ty có phát sinh doanh thu tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận tiền trước và phần doanh thu chưa thu được tiền thì Công ty thực hiện ghi nhận tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam tương ứng trên hóa đơn lập cho bên mua theo đúng hướng dẫn cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC và điểm g khoản 5 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC nêu trên.
Công ty căn cứ hướng dẫn nêu trên, đối chiếu với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế tại đơn vị để thực hiện đúng quy định.
Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho Công ty biết để thực hiện./.