Kính gửi: Công ty TNHH Vinatic Hải Phòng
Mã số thuế: 0201885673
Địa chỉ: Lô CN4, KCN Nam Cầu Kiền, X. Kiền Bái, H. Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng
Cục Thuế TP Hải Phòng nhận được công văn số KT0112/2024/VNT đề ngày 03/12/2024 của Công ty TNHH Vinatic Hải Phòng (sau đây gọi là “Công ty”) đề nghị HƯỚNG DẪN THỦ TỤC THU MUA PHẾ LIỆU TỪ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ VÀ NGƯỜI DÂN.
Về vấn đề này, Cục Thuế TP Hải Phòng có ý kiến như sau:
Căn cứ khoản 25 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội) quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:
“25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống.
...";
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế quy định các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân:
“1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
... Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.".";
Căn cứ khoản 3, khoản 4 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
“3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 51. của Luật này và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.";
Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
- Tại khoản 1 Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”;
- Tại khoản 2 Điều 13 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
“2. Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:
a) Loại hóa đơn cấp theo từng lần phát sinh
a.1) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng trong các trường hợp:
- Hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng;
...";
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nguyên tắc tính thuế:
“1. Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.”;
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
...2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
...- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
...- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thịn trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xá định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
…”
Từ các căn cứ nêu trên, Cục Thuế TP Hải Phòng hướng dẫn về nguyên tắc như sau:
Các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu không thuộc các khoản chi phí không được trừ và đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Trường hợp Công ty mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT thì Công ty thực hiện lập bảng kê Mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính. Trường hợp mua hàng của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu trên ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT thì bên bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nếu hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì hộ, cá nhân kinh doanh liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh.
Đề nghị Công ty căn cứ hồ sơ, tài liệu thực tế, đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện theo quy định.
Cục Thuế TP Hải Phòng có ý kiến để Công ty TNHH Vinatic Hải Phòng biết và thực hiện./.