VP & PARTNERS  CONSULTANT

HƯỚNG DẪN XUẤT HÓA ĐƠN GTGT

Nguồn: Công văn số 12477/CCTKV.XVI-QLDN1 ngày 30 tháng 06 năm 2025 của Chi cục Thuế khu vực XVI V/v hướng dẫn xuất hóa đơn.
Kính gửi:  CÔNG TY CỔ PHẦN LOGISTICS DƯỢC PHẨM ĐÔNG Á
MST: 3702877076
Địa chỉ: số 63, quốc lộ 1K, khu phố Tây B, Phường Đông Hòa, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

 
Chi cục Thuế nhận được văn bản số 01/06/2025/CV-DPL ngày 16/6/2025 của CÔNG TY CỔ PHẦN LOGISTICS DƯỢC PHẨM ĐÔNG Á về việc xuất hóa đơn GTGT. Về vấn đề này, Chi cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Về việc xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra:
“b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 như sau:
a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
a.1) Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: Điện thoại Samsung, điện thoại Nokia; mặt hàng ăn, uống;...). Trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trên hóa đơn phải thể hiện các số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hóa mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: Số khung, số máy của ô tô, mô tô, địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của một ngôi nhà... Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải thì trên hoá đơn phải thể hiện biển kiểm soát phương tiện vận tải, hành trình (điểm đi - điểm đến). Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa trên nền tảng số, hoạt động thương mại điện tử thì phải thể hiện tên hàng hóa vận chuyển, thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh người gửi hàng.
...
a.3) Số lượng hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi số lượng bằng chữ số Ả-rập căn cứ theo đơn vị tính nêu trên. Trường hợp cung cấp các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính và chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, được lập theo kỳ quy ước, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính được lập hóa đơn sau khi đối soát dữ liệu thì người bán được sử dụng bảng kê kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.
...
Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số..., ngày... tháng... năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khẩu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất thuế giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số...ngày... tháng... năm".​

Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP ngày 20/03/2025 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Về việc thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác:
“b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm e, điểm 1, điểm m, điểm n khoản 4 như sau:
a) Đối với các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác gồm: Trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản này), cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ quảng cáo truyền hình, dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) được bán theo kỳ nhất định, dịch vụ ngân hàng (trừ hoạt động cho vay), chuyển tiền quốc tế, dịch vụ chứng khoán, xổ số điện toán, thu phí sử dụng đường bộ giữa nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.”

Căn cứ các quy định nêu trên:
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và trên cơ sở đối chiếu với quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên để thực hiện đúng theo quy định.
Trên đây là ý kiến của Chi cục Thuế khu vực XVI trả lời cho Công ty để biết./.
 
 

 

 
 
 
 

VP&PARTNERS TAX AGENT

VP 1: 54/132 Vũ Huy Tấn, Phường 03, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP 2: 61/1 Đường số 23, P. Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh