VP & PARTNERS  CONSULTANT

QUY ĐỊNH VỀ CÁC KHOẢN THU NHẬP CHỊU THUẾ TNCN KHI DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CHI TRẢ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nguồn: Công văn số 310/CTHPH-TTHT ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Cục thuế TP Hải Phòng V/v giải đáp chính sách thuế
Kính gửi: Công ty TNHH Fujimold Việt Nam
Mã số thuế: 0200468331
Địa chỉ: Lô đất F-8A, Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng,
xã An Hưng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng
Cục Thuế TP Hải Phòng nhận được công văn số FMV 001-25 đề ngày 10/01/2025 của Công ty TNHH Fujimold Việt Nam (sau đây gọi là “Công ty”), nội dung về thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Về vấn đề này, Cục Thuế TP Hải Phòng có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân:
- Tại khoản 2 Điều 2 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính):
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
...c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
...đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
...đ.3) Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:
...đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chỉ chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
...đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
...đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
...g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.
...g.10) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.”;

- Tại điểm c khoản 1 Điều 9 quy định về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh;
- Tại điểm g khoản 1 Điều 9 quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính);
Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế:
“...d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
d.3) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế trong các trường hợp sau đây:
Có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau: cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống; cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;...”.

Từ các căn cứ nêu trên, Cục Thuế TP Hải Phòng hướng dẫn về nguyên tắc như sau:
- Trường hợp nếu Công ty có chi trả các khoản chi công tác phí cho người lao động phù hợp theo quy định tại điểm đ.4 khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì các khoản chi này không tính vào thu nhân chịu thuế TNCN của người lao động.
- Trường hợp Công ty chi thăm hỏi ốm đau cho người lao động phù hợp với quy định tại tiết g.1 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, chỉ tổ chức cho người lao động khám sức khỏe định kỳ phù hợp với quy định tại tiết đ.3.2 điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính: Nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì khoản chi này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN; nếu nội dung chi trả không ghi rõ tên cá nhân được hưởng mà chỉ chung cho tập thể người lao động thì khoản chi này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
- Trường hợp Công ty chi các khoản thưởng theo đề án cải tiến cho người lao động thì khoản chi này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
- Trường hợp người lao động của Công ty ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên đồng thời phát sinh khoản thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã khấu trừ thuế TNCN 10% tại nguồn phát sinh thu nhập thì việc người lao động ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho Công ty hay người lao động tự quyết toán thuế TNCN được xác định theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
- Về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: Công ty thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính).
Đề nghị Công ty căn cứ vào hồ sơ, tài liệu thực tế, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan để thực hiện theo đúng quy định.
Cục Thuế TP Hải Phòng có ý kiến để Công ty TNHH Fujimold Việt Nam được biết và thực hiện./.
 

VP&PARTNERS TAX AGENT

VP 1: 54/132 Vũ Huy Tấn, Phường 03, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP 2: 61/1 Đường số 23, P. Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh