VP & PARTNERS  CONSULTANT

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CHUYỂN THÀNH HÀNG HÓA CHỜ THANH LÝ VÀ THỜI ĐIỂM LẬP HÓA ĐƠN KHI BÁN HÀNG HÓA VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ

Nguồn: Công văn số 23940/CTBDU-TTHT Ngày 23 tháng 8 năm 2024 của Cục Thuế Tỉnh Bình Dương V/v chính sách thuế
Kính gửi: CÔNG TY TNHH MÁY CÔNG NGHIỆP TAN CHONG (VIỆT NAM)
 Địa chỉ: 10 đường số 8, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Phường Bình Hòa, Thành phố Thuận An
MST: 0302344430

 

Cục Thuế tỉnh Bình Dương nhận được công văn số 080824/CV ngày 08/08/2024 của Công ty về việc tài sản cố định chuyển thành hàng hóa chờ thanh lý, và thời điểm lập hóa đơn khi bán hàng hóa, và cung cấp dịch vụ.
Qua nội dung công văn nói trên, Cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), quy định về nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ như sau:
+ Tại Điều 3 quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
“1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên...”

+ Tại điểm c khoản 1 Điều 4 quy định về nguyên giá tài sản cố định hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất:
“c) Tài sản cố định hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất:
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng (+) các chi phí lắp đặt chạy thử, các chi phí khác trực tiếp liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ hữu hình vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (trừ các khoản lãi nội bộ, giá trị sản phẩm thu hồi được trong quá trình chạy thử, sản xuất thử, các chi phí không hợp lý như vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác vượt quá định mức quy định trong xây dựng hoặc sản xuất)...”

+ Tại Điều 5 quy định về nguyên tắc quản lý TSCĐ:
“2. Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán:

 Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ  

    =   

   Nguyên giá của tài sản cố định   

    -    

  Số hao mòn lũy kế của TSCĐ  

3. Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư này.
4. Doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý đối với những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh như những TSCĐ thông thường”

+ Tại Điều 9 quy định về nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:
“1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:
- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.
- TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).
...5. Doanh nghiệp cho thuê TSCĐ hoạt động phải trích khấu hao đối với TSCĐ cho thuê.
...9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp...”

- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6: Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. ...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
...b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
c) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.
d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
...đ) Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị...”

- Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
“2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế tỉnh Bình Dương có ý kiến như sau:
1. Trường hợp Công ty thực hiện chuyển hàng hóa thành tài sản cố định (TSCĐ) thì hàng hóa được chuyển phải đáp ứng quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính.
Về việc trích hoặc dừng trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính. Các khoản chi phí khấu hao TSCĐ của Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính.
2. Về việc lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho thuê xe nâng hàng tháng, Công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và đối chiếu với các văn bản pháp luật để thực hiện theo đúng quy định.
Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho Công ty biết để thực hiện./.

 

VP&PARTNERS TAX AGENT

VP 1: 54/132 Vũ Huy Tấn, Phường 03, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP 2: 61/1 Đường số 23, P. Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh