DOANH NGHIỆP BỊ KHÓA MÃ SỐ THUẾ

Doanh nghiệp bị khóa mã số thuế là khi mã số thuế của doanh nghiệp chuyển từ trạng thái “Đang hoạt động” sang “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”. Đó là trạng thái “ Khóa mã số thuế”. Việc khóa mã số thuế sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Vậy phải làm gì khi doanh nghiệp bị khóa mã số thuế?
Để giải đáp thắc mắc, Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư VP&PARTNERS sẽ làm rõ một số vấn đề theo quan điểm của công ty cho quý bạn đọc được dễ hiểu: 
 

1. Trước hết, mã số thuế là gì? 

 
Theo Điều 3, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.
 

2. Khóa mã số thuế là gì?

 
Khóa mã số thuế là trạng thái mã số thuế của doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế chuyển từ “Đang hoạt động” qua trạng thái “ngưng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” hoặc qua trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”
 

 

3. Nguyên nhân mã số thuế của doanh nghiệp bị chuyển trạng thái


Trạng thái “ngưng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế khi doanh nghiệp đang thực hiện  thủ tục giải thể, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế trong các trường hợp sau:
  • Doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh: khi cơ quan kiểm tra đến trụ sở doanh nghiệp nhưng không thấy biển hiệu hoặc không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
  • Không nộp tờ khai thuế: do giám đốc doanh nghiệp không nắm rõ quy định về thời hạn nộp tờ khai thuế, dẫn đến không nộp tờ khai trong một hoặc nhiều kỳ liên tiếp.
  • Không nộp tiền thuế khi có phát sinh.
  • Không phản hồi thông báo của cơ quan thuế về các vấn đề trên khi đã nhận được thông báo từ cơ quan thuế quá 3 lần.
     

4. Sau khi bị khoá mã số thuế, doanh nghiệp không thể thực hiện những việc gì?

 
Không xuất được hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn VAT (do thuộc trường hợp “Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử” theo điểm b, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ);

Không chấp nhận các tờ khai trên trang thuế điện tử như: báo cáo thuế, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn,... (do thuộc trường hợp “Ngừng giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử” theo Điều 12, Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ Tài chính)

Không thực hiện được việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh: thay đổi vốn điều lệ, thay đổi địa chỉ trụ sở chính, thay đổi đại diện pháp luật,... (do thuộc trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo điểm d, Khoản 1, Điều 65 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

Quá thời hạn mở mã số thuế, nếu doanh nghiệp không thực hiện khôi phục mã số thuế sẽ bị cơ quan thuế khóa vĩnh viễn (chấm dứt hiệu lực mã số thuế ), và có thể bị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh (Thu hồi theo Khoản 5, Điều 17, Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính);

Đại diện pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp có thể bị cấm xuất nhập cảnh trong một số trường hợp; nếu không biết được thông tin này chủ doanh nghiệp sẽ tổn thất về tiền bạc và thời gian.
 

5. Doanh nghiệp cần làm gì để tránh bị khóa mã số thuế:

  • Thực hiện đúng các quy định về hoạt động kinh doanh.
  • Treo biển hiệu tại nơi doanh nghiệp hoạt động.
  • Thực hiện các thủ tục kê khai thuế, nộp thuế đúng hạn và đầy đủ.
  • Cập nhật thông tin liên quan đến doanh nghiệp như địa chỉ, số điện thoại, email… để nhận được thông báo của cơ quan thuế kịp thời.
  • Tuyệt đối không vi phạm các quy định về thuế và kế toán, đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong quá trình hoạt động kinh doanh.

6. Hướng xử lý khi doanh mã số thuế của doanh nghiệp bị khóa:

 
Khi phát hiện doanh nghiệp bị khóa mã số thuế, bạn cần thực hiện theo các bước sau đây để được mở lại mã số thuế cho doanh nghiệp:
 
Bước 1: Tìm hiểu lý do bị khóa mã số thuế.

Bước 2: Gửi công văn tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp xin mở lại mã số thuế

Bước 3: Nộp đầy đủ tờ khai, báo cáo, khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan thuế
 
Với một số thông tin trên , hy vọng các doanh nghiệp sẽ có thêm kiến thức về khóa mã số thuế để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để giải đáp chi tiết và cần hỗ trợ về việc “Khóa mã số thuế” xin vui lòng liên hệ Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư VP&PARTNERS để được tư vấn tốt nhất.
 

Căn cứ pháp lý:
 

- Luật Quản lý thuế 2019;

- Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

- Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

- Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về đăng ký thuế.

VP&Partners Tax Agent

VP 1: 54/132 Vũ Huy Tấn, Phường 03, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP 2: 61/1 Đường số 23, P. Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức
Địa chỉ ĐKKD: Tầng 14, Tòa Nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 05, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.