Kính gửi: CÔNG TY TNHH SOWINGROUP VIỆT NAM
Địa chỉ: Nhà xưởng C-X10, C-X11, Lô C1, C2, C3, C4, C5, C6; một phần Lô C7; Lộ C8, C9, C10, C11, C12, Khu Công Nghiệp Phú Tân, Phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
Mã số thuế: 3703233187
Cục Thuế tỉnh Bình Dương nhận được công văn số CV02/2024 ngày 30/10/2024 của CÔNG TY TNHH SOWINGROUP VIỆT NAM (viết tắt “Công ty”) về việc chính sách thuế. Qua nội dung công văn của Công ty, Cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ khoản 10 Điều 2 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 22 tháng 05 năm 2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế như sau:
“10. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu."
- Căn cứ khoản 6 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 28 tháng 05 năm 2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế như sau:
“6. Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Việc bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất phải bảo đảm ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác;
b) Hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động chế xuất và các hoạt động kinh doanh khác;
c) Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trường hợp sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thuế.”
- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại khoản 1 Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này..."
+ Tại điểm a khoản 1 Điều 8 quy định về loại hóa đơn như sau:
“Điều 8. Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá
trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.”
- Căn cứ khoản 6 Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 31 tháng 12 năm 2013 quy định về thuế giá trị gia tăng như sau:
“Điều 3. Người nộp thuế
...
6. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Ví dụ 1: Công ty TNHH Sanko là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH Sanko còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH Sanko phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh Công ty TNHH Sanko thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH Sanko sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.”
Căn cứ quy định nêu trên, theo nội dung trình bày tại văn bản, Cục Thuế trả lời về mặt nguyên tắc cho Công ty như sau:
Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất có hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa thì Công ty phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Công ty phải lập hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đối với hoạt động nội địa Công ty phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng nội địa.
Đề nghị Công ty căn cứ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo đúng quy định.
Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời Công ty biết để thực hiện./.