Tổng cục Thuế nhận được đơn phản ánh kiến nghị của Ông Thái Mạnh Cường qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (số PAKN.20231122.0158) kiến nghị một số công văn hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thuế các cấp chưa phù hợp với quy định pháp luật do chưa hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” đối với hành vi vi phạm nhiều lần về hóa đơn. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Khoản 6 Điều 2; điểm d Khoản 1 Điều 3 và điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
…
6. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.”
“Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;”
“Điều 10. Tình tiết tăng nặng
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:
b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;...”
- Khoản 3 Điều 5, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:
“Điều 5. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:
a) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần;
b) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần. Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế;
c) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần;”
“Điều 6. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn
1. Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, điểm a, b, c Khoản 3 Điều 5, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã quy định cụ thể việc áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn phù hợp với các quy định về “vi phạm hành chính nhiều lần” tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Nội dung tại Công văn số 2768/TCT-PC ngày 26/7/2021, Công văn số 1025/TCT-PC ngày 5/4/2022 của Tổng cục Thuế, Công văn số 5125/CTBNI-TTHT ngày 7/11/2023 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn các tình huống cụ thể đã đảm bảo đúng quy định pháp luật và thống nhất như nội dung nêu trên.
Tổng cục Thuế trả lời kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị theo nội dung nêu trên để ông Thái Mạnh Cường được biết.
Tổng cục Thuế trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của ông Thái Mạnh Cường trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật thuế./.